TÂM LÝ TRẺ TỪ 2 – 3 TUỔI
Tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh
Sức cuốn hút chính ở trẻ vẫn là sự thích thú các vật nhỏ bé. Đặc điểm này thể hiện ở chỗ trẻ luôn tò mò muốn tìm hiểu khám phá tính chất của sự vật, dần dần biến cái đồ chơi đó thành môn luyện tập các kỹ năng đơn giản. Lúc lên 3, trẻ có thể tổng hợp được tính chất các vật thể mà nó đã nắm được, đồng thời bắt đầu biết dùng các vật thể đó làm các trò chơi theo trí tưởng tượng của trẻ.
Ngoài đồ chơi và các vật dụng gia đình thường dùng ra, các vật chất ở xung quanh môi trường vẫn tiếp tục gây nên sự chú ý của trẻ. Đặc điểm lúc này là thích thú cái mới cái thay đổi tăng lên, ví như hàng ngày nó chăm chú nhìn sự vật mới phát sinh ngoài cửa sổ, chú ý người lớn làm…
Trẻ giai đoạn này thích nghịch nước, nó có thể nghịch nước với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, trẻ thích chơi bong như ném hoặc đá bóng, sau đó lại nhặt lên, làm như vậy trẻ sẽ tăng năng lực hoạt động lên.
Trẻ 2-3 tuổi bắt đầu chủ động giao tiếp
Trẻ từ 1 tuổi bắt đầu “chủ động” giao tiếp với người lớn và có kinh nghiệm dần, đến 2 tuổi, kinh nghiệm giao tiếp có tính xã hội tăng lên 20%, và khi 3 tuổi tăng lên tới 30%, và giao tiếp phi xã hội giảm dần theo tỉ lệ thuận. Tuy vậy, tính tò mò tìm hiểu tính chất của vật thể và luyện tập những kĩ năng đơn giản vẫn chiếm phần lớn thời gian trẻ thức.
Trẻ từ 3 tuổi trở đi thì hành vi tò mò chăm chú nhìn vào vật giảm xuống, do ở thời kỳ này năng lực nói của trẻ tăng lên, trẻ qua nhìn và nghe người khác sẽ thu nhận được thông tin. Có thể nghe người lớn nói cũng có thể nghe lời nói qua đài và tivi.
Thích khen ngợi, âu yếm
Trẻ mong được người lớn khen ngợi, âu yếm, rất sợ người lớn không bằng lòng. Ở trẻ cũng xuất hiện tình cảm xấu hổ khi bị chê trách.
Trẻ 2 tuổi thích chơi đồ chơi như búp bê, các con vật, kèn, đồ chơi tự di động…
Ở tuổi lên 3, tự ý thức xuất hiện
Đây là dấu hiệu đầu tiên của quá trình hình thành nhân cách. Trẻ nhận ra mình theo các dấu hiệu bên ngoài. Trẻ có thể hiểu được mình có thể làm việc này hay việc khác. Trẻ có thể nhận xét về mình (thông qua nhận xét của người lớn hoặc liên hệ với các nhân vật trong truyện). Trẻ tự ý thức hành động của mình theo thời gian: quá khứ, hiện tai, tương lai.
Có thể xuất hiện “khủng hoảng tuổi lên ba”
Nguyên nhân của khủng hoảng này là trẻ có nhu cầu độc lập do phát triển ý thức bản ngã, tự ý thức nhưng năng lực còn hạn chế, cơ thể còn non nớt và đặc biệt là người lớn thường cấm đoán nên nhu cầu độc lập của trẻ không được thỏa mãn. Trẻ thường biểu hiện “bướng” và có tính chống đối. Vì vậy, cha mẹ không nên cấm đoán, hạn chế tính độc lập, tự do của trẻ, để cho trẻ được thử làm những việc vừa sức. Trong những trường hợp quá sức, nên giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu cho trẻ.
Ở giai đoạn này, bằng việc tìm hiểu cơ thể mình, hay chơi với búp bê, trẻ bắt đầu quan tâm đến những đặc điểm về giới tính. Trẻ sẽ có xu hướng bắt chước, tập nhiễm các hành vi định hướng giới, ví dụ như con gái thích mặc điệu như mẹ, thích chơi búp bê, con trai học theo phong cách của cha.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh