Dinh Dưỡng

1. Trường có những chăm sóc đặc biệt gì để đảm bảo học sinh có sức khỏe và phát triển thể chất tốt?

a.Chế độ dinh dưỡng:

_Thực đơn và khẩu phần áp dụng cho con được tính toán kỹ và hợp lý theo nhu cầu phát triển của con, đáp ứng đủ về dinh dưỡng theo từng nhóm tuổi. Cụ thể, thực đơn của con được thiết kế tuân thủ theo phần mềm dinh dưỡng Foodkids kết hợp với sự điều chỉnh tuỳ theo cơ địa của từng trẻ.

Ví dụ, về sữa, ở trường con uống sữa Abbott. Tuy nhiên, phụ huynh có thể gởi sữa khác, trường sẽ pha riêng cho con. Tùy theo khả năng uống sữa của con, giáo viên trong lớp có bảng thống kê lượng sữa uống cố định của con để nhân viên chuyên trách pha sữa theo đó pha cho con, đồng thời tùy theo tình hình của con trong ngày, con ốm hay khỏe, lượng ăn của con bữa trước đó nhiều hay ít mà các cô có những thông tin trực tiếp cho nhân viên chuyên trách điều chỉnh lượng sữa cho con. Trường không giới hạn lượng sữa cho con, nghĩa là có phần sữa bù cho con khi con bị nôn ói, ăn không ngon hay không khỏe và tùy theo khả năng dung nạp sữa của con để đáp ứng nhu cầu sữa hàng ngày cho con. Về bữa ăn, tất cả các loại thực phẩm cho con ở trường đều do các công ty thực phẩm có uy tín cung ứng, có giấy kiểm dịch, chứng từ, hóa đơn hàng ngày. Thực đơn của con rất đa dạng và được thay đổi thường xuyên mỗi ngày. Tất cả những dụng cụ ăn uống của con như bình sữa, ly, chén, tô, muỗng … đều được rửa sạch và hấp tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng.

b. Chương trình học tập rèn luyện:

_Khác với hạn chế thường có của nhiều trường mầm non tư thục về cơ sở vật chất, sân chơi và diện tích sử dụng cho trẻ, Trường Mầm Non Việt có đầy đủ các khu vực dành riêng cho con vui chơi, vận động và rèn luyện thân thể cả ở ngoài trời và trong nhà. Trường có sân chơi tập thể thoáng mát với các đồ chơi vận động liên hoàn hấp dẫn, hồ bơi được lọc nước 24/24 và vườn sinh thái cho con. Các lớp học tại trường rộng rãi, các mặt có cửa sổ lớn đón nắng và gió. Theo chương trình học và chơi của trường, con sẽ có rất nhiều giờ vận động, thể dục để phát triển tối đa thế chất. Toàn bộ các trang thiết bị của trường được diệt khuẩn hàng ngày sau khi các con ra về để chuẩn bị cho con có được môi trường vui chơi và học tập sạch sẽ, an toàn cho sức khỏe vào ngày hôm sau.

_Để con phát triển trí tuệ tốt, trường trang bị các loại đồ chơi có chọn lọc, tốt cho sự phát triển vận động tinh của con, tạo cơ hội cho con phát huy tính sáng tạo và lòng khao khát khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, ví dụ đồ chơi xếp hình, đồ chơi lắp ghép, sách truyện tranh, giấy – màu vẽ, nhạc cụ ….

c.Chế độ theo dõi sức khỏe của con:

_Hàng tháng bộ phận y tế đều theo dõi chỉ số cân nặng và chiều cao của con. Bảng tăng trưởng của con sẽ được dán trên bảng thông báo của trường để phụ huynh tiện theo dõi. Đối với những bé suy dinh dưỡng, béo phì hoặc khả năng tiêu hóa kém, bộ phận y tế sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng cho con.

_Khi con bắt đầu nhập học, trường lập hồ sơ theo dõi y tế cho con. Trường sẽ dựa vào hồ sơ này để nhắc phụ huynh lịch chích ngừa cho con. Đồng thời, trường cho con uống vitamin A, vắc-xin ngừa bại liệt, và sổ giun định kỳ cho con.

_Định kỳ 2 lần/năm, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đến khám tổng quát trực tiếp cho con tại trường. Kết quả khám và tư vấn được gởi lại cho phụ huynh. Trường còn tổ chức các buổi tư vấn dinh dưỡng do bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 phụ trách, nhằm giải đáp các thắc mắc của phụ huynh về chế độ dinh dưỡng thích hợp nhất cho con. Đồng thời, các bác sĩ cũng đề ra những giải pháp điều chỉnh chế độ ăn uống cho bé tại nhà nhằm giúp con phát triển tối đa thể chất và tinh thần.

_Khi con đang học ở trường, nếu có vấn đề gì về sức khỏe, trường sẽ thông báo với phụ huynh ngay. Nhân viên y tế sẽ trao đổi với phụ huynh về cách xử lý tốt nhất cho con.

2. Đối với bé dưới 2 tuổi trường có chế độ chăm sóc đặc biệt như thế nào?

_Trước hết, nhà trường sẽ xem kỹ hồ sơ nhập học của con và tìm hiểu thêm ở phụ huynh các đặc điểm tâm sinh lý hiện có của con để từ đó cô giáo có thể giúp con thích nghi tốt với trường. Thời gian đầu cô sẽ chiều theo thói quen sinh hoạt của con tại nhà và tập cho thích ứng với môi trường sinh hoạt của trường và vào nề nếp một cách từ từ.

_Tỷ lệ cô/bé ở lớp cao nên trường có điều kiện chăm sóc con ở mức tốt nhất.

_Con được tắm nắng và massage trước 8h sáng mỗi ngày.

_Hàng ngày, con được tắm rửa, vệ sinh tai, mắt, mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

_Ở trường, cô hạn chế mặc tã để con không bị hăm và con được tập ngồi bô sớm nên biết tự chủ về việc đi vệ sinh sớm hơn các bé thường mặc tã.

_Quần áo, khăn, chăn và gối của con được giặt, hấp và sấy tiệt trùng.

_Dụng cụ ăn uống của con được tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng.

_Trường có nhân viên chuyên trách pha sữa cho con theo bảng tổng hợp của từng bé, từng lớp (loại sữa, cách pha, dung lượng của từng bé …). Tất cả lượng sữa cho con uống đều phải được kê chi tiết và cập nhật cụ thể theo tình hình sức khỏe của con mỗi ngày (con khỏe hay mệt, ăn nhiều hay ít, có cần bù sữa hay không)

_Trong trường hợp con bị nôn trớ khi ăn uống, cô giáo sẽ cho con uống sữa hoặc ăn bù lại.

_Trường có nhân viên y tế chuyên theo dõi tình hình sức khỏe của con. Phụ huynh gởi thuốc của con (các loại thuốc bổ hoặc thuốc trị bệnh theo toa bác sĩ) tại bộ phận y tế và cô y tế sẽ trực tiếp cho con uống thuốc.

3. Các cô giáo trong lớp có thể hiểu và quen với tính nết từng bé (cách uống sữa, thói quen ngủ, đi vệ sinh …) để có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất không?

_Trước hết, nhà trường sẽ xem kỹ hồ sơ nhập học của con và tìm hiểu thêm ở phụ huynh các đặc điểm tâm sinh lý hiện có của con để từ đó cô giáo có thể giúp con thích nghi tốt với trường. Thời gian đầu cô sẽ chiều theo thói quen sinh hoạt của con tại nhà và tập cho thích ứng với môi trường sinh hoạt của trường và vào nề nếp một cách từ từ. Bên cạnh đó tỷ lệ cô/bé ở trường đông nên trường cũng có điều kiện chăm sóc từng bé rất kỹ.

4. Đối với những bé đang bú sữa mẹ hoàn toàn, nếu đi học thì sẽ cho bé bú như thế nào?

_Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con, trường không nhận gởi sữa mẹ vì trong quá trình giao nhận và bảo quản, sữa có thể bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, mẹ vui lòng cho con bú sữa vào buổi tối hoặc sáng sớm trước khi đi học hoặc mẹ có thể đến trường cho con bú trực tiếp bất kỳ lúc nào khi mẹ sắp xếp được thời gian rảnh.

5. Bé không uống sữa Abbott mà uống sữa khác, trường có đủ các loại sữa cho bé không? Cô giáo của bé trực tiếp pha sữa cho bé hay người khác? Có khi nào nhầm sữa của các bé không?

Nếu bé không uống sữa Abbott thì ba/mẹ gởi sữa riêng vào trường. Ba/ mẹ giao sữa cho nhân viên văn phòng và ký nhận trong sổ gởi sữa. Trường sẽ trừ tiền sữa tùy theo lứa tuổi của con. Cô giáo trong lớp chỉ tập trung chăm con, việc pha sữa sẽ do nhân viên chuyên trách pha theo bảng tổng hợp của từng bé, từng lớp (loại sữa, cách pha, dung lượng của từng bé …). Tất cả lượng sữa cho con uống đều phải được kê chi tiết và cập nhật cụ thể theo tình hình sức khỏe của con mỗi ngày (con khỏe hay mệt, ăn nhiều hay ít, có cần bù sữa hay không). Chắc chắn sẽ không có việc pha nhầm sữa.

6. Bé không chịu bú bình thì cô cho bé ăn bằng cách nào?

Bé không chịu bú bình thì cô sẽ cho con uống sữa bằng muỗng. Cô không ép con mà sẽ chia nhỏ bữa sữa để con không sợ uống. Khi con quen thì cô sẽ gộp các bữa lại sau. Khi con lớn hơn, cô sẽ tập cho con tự cầm ly uống sữa.

7. Đối với những bé ăn khó, trường giúp con như thế nào?

Thời gian đầu đi học cô sẽ không ép con ăn nhiều quá, vì con phải xa gia đình, thay đổi môi trường, và làm quen mọi thứ, nếu cô ép con ăn nhiều, con sẽ không thích đi học nữa. Trong bữa ăn, cô kiên nhẫn và dịu dàng khuyến khích, động viên con. Khi con đã quen môi trường rồi thì cô mới nâng dần lượng ăn của con lên cho đủ 70% nhu cầu năng lượng hàng ngày theo lứa tuổi đối với bé không đăng ký ăn chiều và 80% – 90% nhu cầu năng lượng hàng ngày theo lứa tuổi đối với bé có đăng ký ăn chiều (Phần năng lượng còn lại ba mẹ sẽ cho con thêm vào buổi tối). Thực đơn phong phú, thường xuyên đổi món. Các món ăn được chế biến phù hợp với độ tuổi và sức nhai của bé. Lứa tuổi của con là lứa tuổi hay chạy nhảy, nghịch phá, chương trình học cũng dành nhiều thời gian để con vận động thể chất, vì vậy trường rất quan tâm chăm sóc bữa ăn cho con để con không bị suy dinh dưỡng và có thể phát triển trí tuệ, chiều cao và cân nặng tốt.

8. Các bé ăn uống nếu nhỡ bị nôn ói thì có phần ăn uống khác bù lại không? Bé ăn chưa no có được ăn thêm không?

Về sữa, ở trường không giới hạn số lượng sữa cho con có nghĩa là có phần sữa bù cho con khi con bị ói ra, ăn không ngon hay bị bệnh. Bên cạnh đó, tùy theo khả năng dung nạp sữa cho con, trường sẽ chú ý đáp ứng nhu cầu sữa hàng ngày của con và yêu cầu của phụ huynh. Về thức ăn, bộ phận cấp dưỡng của trường luôn nấu nhiều hơn số lượng tiêu thụ của các con theo danh sách lớp để có lượng thức ăn dự phòng cho các trường hợp con tập ăn, con nôn ói hoặc có nhu cầu ăn thêm, đặc biệt là đối với các bé có cân nặng thấp hơn chuẩn.

9. Phụ huynh có được xem thực đơn của trường dành cho bé hàng tuần không?

Thực đơn hàng tuần được in sẵn dán ở bảng thông tin và đăng trên trang web của trường (www.mamnonviet.vn) cho phụ huynh tham khảo.Ngoài ra, phụ huynh có thể yêu cầu nhân viên văn phòng in cho mình để mang về. Đồng thời, phụ huynh có thể kiểm tra đột xuất bữa ăn của con có đúng thực đơn hay không mà không cần phải báo trước.

10. Bé uống sữa bằng gì? Cô cho bé uống hay bé tự uống? Trường hợp bé ọc sữa, bé có được uống sữa lại không?

Bé uống sữa bằng ly inox của trường. Bé ngồi và cô đút. Nếu bé ọc sữa, cô sẽ đút lại.
Bé dưới 12 tháng thì cô cho nằm ghế Auto ru uống sữa, có thể uống bằng bình hay cô đút thìa.

11. Ở trường, bé có được uống sữa tươi không?

Đối với các bé dưới 1 tuổi, trường không đưa sữa tươi vào thực đơn cho con vì nguồn dinh dưỡng từ sữa công thức lúc này vẫn rất quan trọng cho sự phát triển của bé. Sữa bò tươi không giàu các vi chất dinh dưỡng như sữa mẹ hay sữa công thức. Vì thế nếu cho bé chuyển sang dùng sữa tươi sớm, cơ thể bé sẽ nhanh chóng bị thiếu hụt những vitamin cần thiết, giúp phát triển thể chất như sắt, kẽm. Trong giai đoạn tiến tới 12 tháng tuổi, bộ máy tiêu hóa của bé vẫn chưa đủ hoàn chỉnh để chuyển hóa các loại protein phức hợp có trong sữa bò tươi. Khi đó, chúng không chỉ gây “quá tải” cho dạ dày trẻ mà nghiên cứu còn cho thấy chúng là tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đặc biệt là trong những gia đình có tiền sử mắc bệnh này) đồng thời trẻ cũng dễ mắc các bệnh dị ứng như hen. (theo các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Hoa Kỳ)

Đối với bé từ 1 tuổi trở lên, trường bắt đầu bổ sung sữa tươi vào thực đơn cho bé. Các bé trên 1 tuổi cần được cung cấp dinh dưỡng chủ yếu thông qua ngũ cốc và các thực phẩm hàng ngày bởi hệ tiêu hóa của trẻ đã khá trưởng thành. Lúc này, sữa đóng vai trò như một bữa ăn bổ sung, giúp cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất và các vi chất thiết yếu có thể bị mất đi trong quá trình nấu chín thực phẩm. Khi bé trên 1 tuổi, lúc hệ tiêu hóa của bé đã sẵn sàng thì sữa tươi lại rất có ích cho bé. Là một nguồn cung cấp canxi, phốt pho, vitamin A và magiê phong phú, sữa tươi sẽ giúp xây dựng xương và răng của bé chắc khỏe, giúp cơ thể bé phát triển các hệ cơ. Sữa tươi cũng cung cấp chất béo giúp trí não phát triển. Sữa tươi còn cung cấp protein và hydro carbon cho sự tăng trưởng của bé, giúp bé có đủ năng lượng để tập đi, tập chạy mỗi ngày.

 

12. Ở trường, bé được tập uống sữa tươi như thế nào?

Cô có thể cho bé nếm sữa công thức rồi cho 1 thìa sữa tươi, dần dần tăng lượng sữa tươi lên cho đến khi bé có thể uống được 1 cốc sữa tươi nguyên chất.

13. Giấc ngủ của con được chăm sóc như thế nào?

a. Chuẩn bị trước khi ngủ:

Đối với bé từ 3 tuổi trở lên, trước khi ngủ, cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh và hướng dẫn trẻ tự lấy gối, chăn và phụ cô bày giường ngủ. Đối với bé dưới 3 tuổi, cô thay quần dài và áo dài tay, mang tã và vớ cho con trước khi đi ngủ. Mỗi bé có giường riêng theo đúng chuẩn lứa tuổi của con. Trường hợp bé đi học không quen ngủ trên giường, cô trải tấm trải cho con nằm riêng một góc khác. Phòng được kéo rèm kín và máy điều hòa nhiệt độ được mở ở mức 27oC – 28oC để bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Khi đã ổn định chỗ ngủ, cô có thể hát hoặc cho trẻ nghe những bài hát ru, dân ca êm dịu để trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Với những cháu khó ngủ, cô gần gũi, vỗ về cho trẻ yên tâm vào giấc ngủ.

b. Trong khi ngủ:
Trong thời gian trẻ ngủ cô phải thường xuyên có mặt để theo dõi lúc trẻ ngủ, sửa lại tư thế để trẻ ngủ thoải mái, không để trẻ chúi mặt vào gối hoặc trùm chăn kín. Nếu bé có những đặc điểm khác biệt, mẹ dặn các cô và nhân viên văn phòng để lưu ý thêm. Điều này cũng áp dụng cho việc con bú khi ngủ. Cô cho phép trẻ đi vệ sinh trong khi ngủ khi trẻ có nhu cầu.

c. Sau khi ngủ:

Do nhu cầu ngủ của mỗi trẻ cũng khác nhau nên đến cuối thời gian ngủ, nếu có trẻ còn ngủ cô đánh thức trẻ dậy một cách nhẹ nhàng để trẻ không cáu kỉnh, mệt mỏi.

14. Trường tổ chức bữa ăn cho bé như thế nào?

a. Đối với bé dưới 2 tuổi:

_ Cô đút bé ăn. : Chọn muỗng vừa miệng bé, lượng thức ăn xúc vừa phải, cho bé nhai nuốt hết thức ăn rồi mới xúc tiếp. Cô không đút trong khi bé khóc. Nếu bé ngậm thức ăn trong miệng, cô dỗ dành cho bé nhai nuốt, có thể bày trò dỗ bé.

b. Đối với bé trên 2 tuổi:

● Chuẩn bị bữa ăn:

Chuẩn bị: bát, thìa, khăn, cốc cho từng bé( mỗi bàn để thừa 2-3 thìa so với số lượng bé) khăn mặt sạch, ẩm, một khăn lau bàn để gần nơi ăn.

– Cô mặc tạp dề, lau mặt, rửa tay, nhắc bé đi vệ sinh, giám sát bé lau mặt, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.

– Cô cũng chuẩn bị tiếp khăn, nước để rửa, lau tay cho bé sau khi ăn
Việc chuẩn bị bữa ăn đã tạo điều kiện thuận lợi và tâm thế sẵn sàng cho bé vào bữa ăn, bé được vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, các đồ dùng phục vụ bữa ăn được chuẩn bị đầy đủ có trang trí vui mắt, hấp dẫn và sinh động, cô giáo cho bé ăn luôn vệ sinh sạch sẽ, toàn tâm, toàn ý vào việc chăm sóc bữa ăn cho bé. Món ăn cho bé ngon, đủ chất, đẹp, thơm, có độ nhuyễn, độ nóng thích hợp với bé. Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo sẽ thêm phần hấp dẫn đối với trẻ.

* Khi chuẩn bị bữa ăn cũng là lúc tạo ra các kích thích để hướng bé vào bữa ăn, cô cho bé ăn vào đúng những giờ nhất định để giúp hệ tiêu hóa bé tiết dịch và hoạt động tốt, thời gian chuẩn bị nhanh (từ 10-15 phút), không để bé đợi lâu.

● Cho bé vào bàn ăn:

– Cho bé ngồi vào chỗ quy định, xếp bé ăn nhanh và ăn chậm ngồi riêng

– Cô đem cơm ra bàn, nhắc bé mời và cầm thìa bằng tay phải.

● Chăm sóc bé trong bữa ăn:
– Cô tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn qua nét mặt, cử chỉ, lời nói.

– Cô giới thiệu các món ăn để kích thích dịch vị, giúp bé hiểu biết về một số món ăn

– Cô nhắc nhở bé giữ vệ sinh khi ăn: ngồi ngay ngắn, không nói chuyện to, không làm rơi vãi, ho hoặc hắt hơi phải che miệng, không nhai nhồm nhoàn, biết mời cô và các bạn khi bắt đầu ăn, không co chân lên ghế, cầm thìa tay phải, tự xúc ăn gọn gàng, không xúc cơm đổ sang bát bạn. Ngoài ra, cô còn dạy con biết cám ơn khi cô tiếp thức ăn cho con hay giúp con ăn.

_ Cô khuyến khích bé tự xúc ăn, dù bé tự xúc ăn còn rơi vãi, nhiều khi còn dùng cả tay bốc thức ăn. Cho bé tự xúc thức ăn, bé sẽ rất thích thú với bữa ăn. Cô giáo hướng dẫn cho bé cách cầm muỗng, cách xúc và phụ giúp với bé.

– Đối với bé ăn chậm, cô cho bé ngồi vào một bàn để cô dễ quan sát, thức ăn lấy vào chén vừa phải, ăn hết rồi lấy tiếp, không để thức ăn chảy vữa, mất ngon. Cô cũng chú ý đến bé ăn chậm nhiều hơn và thỉnh thoảng xúc cho bé.

– Cô giáo chăm sóc, quan tâm hơn với những bé mới đến lớp, bé yếu hoặc bé sau khi ốm dậy. Nếu bữa nào bé kém ăn, cô sẽ tìm nguyên nhân để báo cho nhà bếp thay đổi thức ăn cho bé hoặc nhân viên y tế hay cha mẹ biết để chú ý chăm sóc bé tốt hơn.

– Đối với bé xúc chưa thạo, ăn chậm hoặc biếng ăn, cô có thể giúp bé xúc và động viên bé ăn khẩn trương hơn. Có biện pháp phòng tránh hóc, sặc trong khi bé ăn.

● Kết thúc bữa ăn:
– Sau khi bé ăn xong, cô cho bé nhỏ cởi yếm, lau miệng, rửa tay, uống nước
– Đối với bé lớn, cô hướng dẫn bé thu dọn bàn ghế, xếp bát, thìa dơ vào nơi quy định.
– Sau bữa ăn cho bé chơi vận động nhẹ nhàng 15-20 phút và sau đó đi ngủ.

15. Chiều về phụ huynh có phải cho con ăn thêm không?

_ Nếu bé không đăng ký ăn chiều tại trường và chỉ học đến 16h30 thì chiều khoảng 18h00 phụ huynh cho trẻ ăn thêm bữa ăn chiều và tối khoảng 20h30 cho bé uống 1 ly sữa khoảng 180ml là đạt nhu cầu năng lượng cho một ngày.

_ Nếu bé có đăng ký ăn chiều tại trường thì phụ huynh không phải cho bé ăn nữa mà chỉ đến 20h30 mới cho bé uống 1 ly sữa khoảng 180ml là đạt nhu cầu năng lượng cho một ngày.

16. Bé có được tắm tại trường không?

Ở trường cô tắm cho con hàng ngày bằng nước ấm năng lượng mặt trời. Sau khi tắm cô sẽ làm vệ sinh tai, mắt và mũi cho con bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%. Đối với bé trên 2 tuổi, cô giáo tắm gội và sấy tóc cho con. Vào những ngày thời tiết lạnh hay theo yêu cầu của phụ huynh khi con không khỏe, cô giáo sẽ lau mình bằng nước ấm cho con.

17. Ở trường cho con uống thuốc như thế nào?

Phụ huynh gởi thuốc tại bộ phận y tế. Nhân viên y tế của trường sẽ ghi sổ liều lượng thuốc uống, phụ huynh kiểm tra kỹ và ký sổ. Cô y tế trực tiếp pha thuốc, cho con uống và theo dõi tình hình sức khoẻ của con.

18. Nếu bé bị bệnh thông thường như sốt, ho, sổ mũi, cảm… trường có nhận bé hay cho bé nghỉ ở nhà ?

Bé bị bệnh thông thường, trường vẫn nhận bé. Bộ phận y tế theo dõi và thông báo cho phụ huynh tình hình sức khỏe của con thường xuyên. Trong trường hợp cần thiết, cô giáo sẽ cho con cách ly dưới văn phòng và nhân viên sẽ chăm sóc bé khi phụ huynh chưa đón bé về được.

19. Vào những đợt có dịch bệnh (ví dụ tay chân miệng, cúm …), trường có những biện pháp gì để phòng ngừa?

Vào những đợt có dịch, bệnh, trường chủ động tăng cường các biện pháp phòng dịch như sau:

_ Mỗi bé khi đến trường đều được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào lớp. Đồng thời, nhân viên y tế và cô giáo theo dõi các bé sát sao để kịp thời phát hiện những biểu hiện bệnh lý nơi bé để có những biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu bé bị bệnh, trường buộc phải đề nghị phụ huynh cho bé ở nhà. Để đảm bảo môi trường an toàn cao nhất đến mức có thể cho các bé, nhà trường thật sự cần sự thông cảm, hỗ trợ và hợp tác của ba mẹ.

_ Trường tăng cường sức đề kháng cho con (tăng lượng vitamin C), cụ thể là tăng lượng nước trái cây nhiều vitamin C hơn: như nước cam, chanh…

_ Tăng cường vệ sinh các khu vực sân chơi trong và ngoài trời và tất cả phòng học.

20. Bình sữa của các bé là dùng chung hay riêng? Trường dùng bình sữa hiệu gì? Nếu phụ huynh muốn gởi bình sữa hoặc núm vú riêng cho trẻ (do trẻ đã quen dùng loại đó) thì có được không?

Tại trường, các bé dùng bình sữa riêng, có dán tên trên từng bình. Loại bình trường dùng là bình của Pigeon. Trường hợp phụ huynh muốn gửi bình sữa vào cho con vẫn được Sau mỗi lần sử dụng, tất cả bình sữa hay ly, muỗng, chén của các con đều được hấp tiệt trùng.

21. Việc vệ sinh giường, gối, mền được thực hiện như thế nào?

Việc vệ sinh đồ chơi, giường, gối… được thực hiện định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần và đột xuất vào bất cứ khi nào có sự cố xảy ra (vd: có bé bị nôn trớ, tè dầm …).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *